
Dấu hiệu cho thấy bạn là kẻ “lụy tình”.
Dấu hiệu cho thấy bạn là kẻ “lụy tình”
Những trường hợp khó khăn nhất mà mình từng gặp, có lẽ là khi một trong hai nhân vật chính quá “lụy tình”.
Càng lụy nhiều, lại càng khó giải quyết khúc mắc.
Người “lụy” vật vã, mà đối phương cũng cực kỳ mệt mỏi.
“Lụy tình” là gì?
Là khi cuộc sống của bạn chỉ lấy tình yêu làm trọng tâm, niềm vui nỗi buồn của bạn phụ thuộc vào từng lời nói nụ cười của người bạn yêu.
Đến cả sắc trời xám hay xanh cũng có thể vì họ mà thay đổi trong mắt bạn.
Là vì bạn yêu quá nhiều?
Không phải.
Mà vì bạn đã đặt hết cảm xúc, sự quan tâm… vào cho họ, tự gán cho họ vai trò định đoạt hạnh phúc đời mình.
Nôm na là, đi trong sa mạc mênh mông, bạn không tự cầm lấy bình nước của mình, lại bắt người mình yêu cầm hộ hết.
Thế là lúc nào cũng phải quanh quẩn bên anh ta, chốc chốc lại gọi anh ta cho mình uống.
Lâu dần, anh ta cảm thấy mệt mỏi, phiền phức vì bạn, còn bạn thì “đau tim” với từng cử động của anh ta vì sợ làm rơi vỡ mất bình nước của bạn, bạn bắt đầu thấy khát những lúc anh ta bận rộn không dâng nước kịp cho bạn.
Đến một lúc nào đó, bạn tưởng chính sự tồn tại của anh ta mới làm bạn đã khát.
Bạn tưởng anh ta là nước.
Bạn nghĩ thiếu anh ta bạn sẽ chết queo.
Anh ta chán bạn nên đưa nước một cách nhỏ giọt, bạn càng khát lại càng thấy nó quý giá, lại càng thấy mình cần anh ta lắm lắm.
Nếu anh ta đưa trả bình nước lại mà đi sang đường khác, bạn quăng bẹp cái bình đi mà ôm chặt, đu bám lấy anh ta.
Càng đu càng bị ghét, bị hắt hủi, bị đạp ra, càng thấy người ta độc ác, nhưng không dám bỏ vì nghĩ mất anh ta rồi đời bạn sẽ tiêu tùng.
Cái bình đó, chính là cảm xúc, là niềm vui, là hạnh phúc của bản thân bạn.

“Càng lệ thuộc, bạn càng dễ dàng trở nên nhàm chán trong mắt đối phương, dễ đẩy mọi chuyện đi vào bế tắc”
Thay vì biết cách tự kiểm soát cảm xúc, tự mang niềm vui đến cho bản thân, chỉ gửi gắm cho người yêu một phần hoặc nhiều lắm là một nửa, còn lại để “phòng thân”, bạn lại đi trao hết cho “người ấy”.
Càng mong đợi “người ấy” mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mình, bạn càng dễ thất vọng.
Càng lệ thuộc, bạn càng dễ dàng trở nên nhàm chán trong mắt đối phương, dễ đẩy mọi chuyện đi vào bế tắc
Để rồi, chẳng những cảm xúc của bạn ngày một tệ đi, đầu óc của bạn cũng có thể sẽ hoạt động kém hiệu quả.
Thay vì có 10 phần chia đều cho công việc, học tập, giải quyết các tình huống phát sinh trong cuộc sống, cân bằng các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…, chỉ dành 2 – 3 phần cho giải quyết chuyện liên quan đến yêu đương, thì bạn lại dành đến 5 – 7 phần chỉ để suy nghĩ xem người yêu đang ở đâu, cái bình của mình trong tay anh ta có an toàn không… thì tất nhiên những phần còn lại sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều rồi.
Và nếu bạn mà dành đến 9 phần cho việc “giữ bình” thì thôi xong, những điều còn lại liệu có ổn nổi không?
Thế nên mỗi người hãy tự cầm lấy bình nước cảm xúc của mình, đừng quá lệ thuộc vào người khác.
Đừng tự biến mình thành gánh nặng của người yêu và tự chuốc lấy một mớ đau khổ không đáng có, chỉ bởi sự “lụy tình” của bạn.
Source: Hành trình “cưa lại” người yêu cũ